Sinh sống ở vùng đất mới phương Nam tuy có chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa Bắc Trung, nhưng trong tập tục tang ma người Nam bộ vẫn có những nét khác biệt so với miền ngoài. Với quan niệm thoáng mở về cõi chết nên sự ra đi về với thế giới bên kia đối với họ cũng hết sức nhẹ nhàng.

Quan niệm của Phật giáo về đám ma

Đạo Phật vốn độ sanh chứ không phải độ tử nhưng ngày nay thì kiêm cả hai. Tuy nhiên, cốt tủy của đạo Phật vẫn phải là độ sanh và do đó phải đi theo hướng này. Phật giáo luôn tập trung chú trọng vào người đang khỏe mạnh để hướng dẫn họ đi đúng chánh pháp hơn là chỉ phục vụ tín ngưỡng. Khi họ có niềm tin kiên cố vào Chánh pháp thì tất yếu họ sẽ theo các nghi thức Phật giáo để tổ chức lễ tang mà không phải lo sợ. Một nghi thức Phật giáo cần có những nội dung hướng dẫn rõ ràng từ cách thức tổ chức đến các kinh trì tụng, bắt đầu từ khi hấp hối cho đến an sàng. Đối với những người chỉ tìm đến đạo Phật khi có hữu sự thì cần thiết phải xác định niềm tin của họ đối với Phật giáo và Tăng Ni. Một khi đã tin tưởng Tăng Ni thì nhất thiết phải tuân theo sự hướng dẫn của họ để tổ chức lễ tang. Những người này sẽ trở thành cư sĩ Phật tử tương lai nếu họ thấy được giá trị đạo Phật thông qua phẩm hạnh của Tăng Ni trong suốt lễ tang. Do vậy, cần phải đào tạo những Tăng Ni có khả năng và có từ tâm thay vì thực dụng, tức thời. Nhưng điều quan trọng là  nghi lễ Phật giáo không hề  đóng vai trò nòng cốt trong một lễ tang của tín đồ Phật tử Việt Nam mà nó chỉ chiếm một phần nhỏ quan trọng trong nhiều yếu tố pha trộn bao gồm tôn giáo và tập tục.

Nét đặc trưng đám tang của người Việt ở Nam Bộ

Trong đám tang của người Việt ở Nam Bộ hầu như luôn luôn có đãi ăn nhậu linh đình

Hầu hết những người ở miền Bắc khi vào Nam Bộ chứng kiến đám tang ở đây thì đều tỏ ra hết sức bất ngờ và thường luôn có ý phê phán. Rằng đám tang ở Nam Bộ quá sơ sài về nghi thức, thân nhân con cháu không khóc than kể lể và nhất là hầu như toàn bộ người dự đám tang đều tỏ ra vô tư, thậm chí không ít người lại tỏ ra rất vui vẻ hả hê. Có thể thấy trong đám tang của người Việt ở Nam Bộ chắc chắn luôn luôn có đãi ăn nhậu linh đình hơn nữa nhạc lễ không mấy u sầu mà có khi còn tỏ ra vui nhộn, đặc biệt trước lúc làm lễ động quan thường có tiết mục đánh phá quàn vô cùng sôi động và hấp dẫn.  Gần đây, các ban nhạc Tây phục vụ đám tang còn khuyến mãi thêm nhiều màn xiếc, ảo thuật tuyệt kĩ nhằm thoả mãn óc hiếu kì, thu hút đông đảo người xem. Đó là chưa kể nhiều trò giải trí tiêu khiển khác trong đám tang, có cả cờ bạc nhất là vào ban đêm.

Sống chung với mộ

Loading...

Về với miền quê  Nam bộ, điều đập vào mắt những người xứ khác là những ngôi mộ nằm rải rác trên các cánh đồng, trong vườn hay gần nhà. Ngay những người yếu bóng vía cũng phát ngại với những ngôi mộ đó. Đã có nhiều ý kiến về sự bất tiện của nó như ảnh hưởng đến môi trường, yếu tố tâm linh, song tập tục đó khó thay đổi bởi những mồ mả đó đã bao đời gắn bó với họ. Điều này giúp giải thích tại sao người dân khó có thể dứt bỏ ruộng vườn, nơi có mồ mả tổ tiên mình nằm để đi nơi khác lập nghiệp cho dù cuộc sống có nhiều khó khăn. Và phải chăng không có ranh giới cách biệt giữa người sống và người chết, không chỉ là sự tiện lợi cho việc nhang khói cho người quá cố, mà đó còn là sự ấm áp của tình thân. Ngày càng nhiều gia đình ở Nam bộ chọn cách hỏa táng cho người thân, sau đó hài cốt đưa vào trong chùa, nhà thờ… Nhưng cũng có người để hài cốt người thân ngay trong nhà, không câu nệ chuyện xui xẻo, làm ăn khó khăn hay âm khí này nọ. Ngày trước, một số gia đình khá giả ở nông thôn Nam bộ có tục mua hòm dưỡng già với mong muốn ông bà trong nhà sẽ sống thọ với con cháu. Chiếc hòm này được đặt ở bên chái hiên nhà có vài trường hợp cá biệt thì đặt cạnh giường, tủ… Cái điều tưởng như phi lý trên thực tế lại rất có lý, mà bằng logic thông thường sẽ không cắt nghĩa được. Rõ ràng nó thể hiện sự lạc quan của người Nam bộ ngay với cái chết và cả đạo hiếu với ông bà.

Dàn nhạc

Có thể thẫy nhạc lễ trong đám tang của người dân Nam Bộ là một hình thức sinh hoạt văn hóa đúng đắn, tích cực, tăng tính trang nghiêm, long trọng cho nghi lễ mà không phải để mua vui. Đám tang ở Nam Bộ là nhạc lễ. Với tên gọi của nó đã cho thấy không phải để mua vui, mà để tăng tính trang trọng cho tang lễ, khác với dàn nhạc vui chơi giải trí là đàn ca tài tử.  Ngoài việc phục vụ cúng tế theo nghi lễ vào lúc đêm khuya vắng người, theo yêu cầu của gia chủ hoặc những người dự tang ban nhạc lễ cũng có thể hòa tấu những bài nhạc trong khuôn khổ nhạc cổ, nhạc lễ nhưng không có ca hát. Việc làm này có ý nghĩa làm không khí bớt cô quạnh vắng vẻ khi có người thân ra đi. Với những quy ước nghiêm nhặt như vậy nhạc lễ trong đám tang Nam Bộ là sinh hoạt văn hóa đúng đắn, tích cực, tăng tính trang nghiêm, long trọng cho nghi lễ .

Sự khác nhau giữa đám tang miền Bắc và Nam Bộ

So với khung cảnh đượm vẻ bi ai thống thiết của đám tang ở miền Bắc thì cái không khí diễn trò sôi nổi và ăn nhậu hả hê của đám tang ở Nam Bộ quả thật lạ lẫm. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ đặc trưng văn hoá Nam Bộ thì sẽ không khó nhận ra lý lẽ của đám tang ở vùng đất này. Chúng ta có thể thấy miền Bắc là vùng đất có lịch sử lâu đời và có nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo phong kiến rất đậm nét, còn Nam Bộ là vùng đất mới của những lưu dân tứ xứ dứt áo ra đi tìm đất sống. Trong bối cảnh hoang vu của đất phương Nam buổi đầu, lúc hơi hám của Nho giáo phong kiến còn rất mờ nhạt thì điểm tựa tinh thần của lưu dân chính là tư tưởng nhà Phật. Chính vì ảnh hưởng của Phật giáo với quan niệm đời là cõi tạm mà lưu dân xem cái chết không quá bi ai, thậm chí họ còn quan niệm “Sinh dữ, tử lành”. Chính vì vậy mà trong đám tang không có quá nhiều điều kiêng cữ và các nghi thức khắt không khe như ở miền Bắc. Vả lại, chỉ có quan niệm sống chết lẽ thường thì họ mới có thể dám đương đầu với biết bao gian nguy đang rình rập trong buổi đầu khai phá. Rồi trong hoàn cảnh đó, chẳng may có người thân qua đời thì đương nhiên họ không thể làm đủ các lễ thức theo nghi thức Nho giáo ở miền Bắc, mà chỉ có thể tuỳ duyên theo tinh thần Phật giáo. Đám tang ở miền Bắc chủ yếu thực hành theo chữ lễ của Nho giáo nên rất coi trọng hình thức, thể hiện ra bằng nhiều nghi thức khá phức tạp và không khí trang nghiêm quá mức từ việc khóc than thảm thiết đến lăn đường tiễn biệt.

Mục đích của các nghi thức phức tạp này không gì khác chính là để thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ ông bà quá cố, theo tinh thần Nho giáo. Chính vì mục đích đó mà đám tang ở miền Bắc còn được gọi là đám hiếu. Theo đó thì trong đám tang, thân nhân của người quá cố phải khóc thật nhiều trong suốt đám tang và cả 100 ngày sau đó. Đến khi người thân mất được 100 ngày thì mới làm lễ tốt khốc  nghĩa là giai đoạn khóc than đến đây mới chấm dứt. Trong khi đó, ở Nam Bộ đất rộng người thưa nên cần phải dễ dãi hơn và thực tế hơn để dung nạp được nhiều khách viếng, cho tang gia bớt trống vắng. Và đặc biệt, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho đến hôm nay vẫn còn duy trì phong tục đãi cơm và rượu khá chu đáo trong đám tang. Lí do là vì vùng này vốn đất rộng người thưa và có mối quan hệ cộng đồng rộng mở nên khách đi đám thường phải cách xa nhà và đối với họ bữa cơm chính là tình cảm của tang chủ đối với những khách đường xa mà vẫn có thể đến đám tang.

Nhiều cải biến theo thời đại

Gần đây nắm bắt nhu cầu của một số người giới kinh doanh đã lập ra các hoa viên nghĩa trang để thân nhân có điều kiện thăm viếng người thân đã mất ở những nơi có cảnh quan đẹp, gần gũi, ấm cúng. Thậm chí một số chủ nghĩa trang còn tranh thủ đưa các văn nghệ sĩ về an nghỉ trong khu vực của mình, để biến nó thành một địa chỉ thu hút, văn hóa theo kiểu các mộ danh nhân ở phương Tây. Người sống đã gần hơn với người chết, táng thức này cũng biểu hiện sự văn minh trong xã hội hiện đại, đáp ứng một nhu cầu có thực. Nhiều phong tục tang ma ở Nam bộ cũng đã thay đổi theo hướng giản lược như tang phục đơn giản hơn trước. Con trai đội khăn tang, không mặc áo tang và không nhất thiết phải có dây rơm mũ bạc, con gái, con dâu không trùm khăn như trước hay cháu chỉ đội khăn và con trai không còn đi lùi trước quan tài của cha hay mẹ. Ngày trước để tang cha mẹ đến 3 năm, nay thì rút gọn còn 1 năm do phải đi làm ăn xa hoặc cho bớt nặng nề trong tang chế.

Vẫn giữ những nghi thức cần thiết trong tang ma cho tròn chữ hiếu với người đã mất, nhưng cách thức tiến hành trong tập tục này ở Nam Bộ đã theo hướng giản lược biến hóa một cách linh hoạt, sao cho không nặng nề cho cả người chết lẫn người ở lại. Đó cũng là đặc trưng mang tính nhân văn của cư dân nơi đây, thích nghi với nhịp sống thời đại.

Loading...