Vụ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan: Trung Quốc chỉ còn biết bực!

18/12/2015 17:15 GMT+7

Trung Quốc biết rõ rằng nước này không thể cản Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và ngoài chuyện “phản đối mạnh mẽ” ra, Trung Quốc không thể làm gì được nhiều.

Trung Quốc biết rõ rằng nước này không thể cản Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và ngoài chuyện “phản đối mạnh mẽ” ra, Trung Quốc không thể làm gì được nhiều.

Một binh sĩ Đài Loan điều khiển tên lửa chống tăng Tow do Mỹ sản xuất - Ảnh: AFPMột binh sĩ Đài Loan điều khiển tên lửa chống tăng Tow do Mỹ sản xuất - Ảnh: AFP

Cấm cũng như không

Chính quyền Trung Quốc ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ, triệu tập đại diện ngoại giao của Mỹ, đe dọa cấm vận các công ty Mỹ – thứ vũ khí mà Trung Quốc có thể giương ra để phản ứng việc Mỹ ký hợp đồng bán vũ khí trị giá 1,83 tỉ USD cho Đài Loan.

Thỏa thuận “gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố, đồng thời đe dọa rằng Trung Quốc sẽ không hợp tác hoặc làm ăn với những công ty Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan.

Nghe có vẻ như đây là một lệnh cấm vận nghiêm trọng, bởi Trung Quốc là thị trường lớn nhất hiện nay mà tất cả các nhà sản xuất khắp thế giới đều muốn chiếm lĩnh.

Tuy nhiên, hiện không có nhà sản xuất vũ khí nào của Mỹ có giao dịch với Bắc Kinh, do Mỹ đã ban hành lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc kể từ sau vụ Thiên An Môn từ năm 1989. Vì thế việc đe dọa “không làm ăn” với các công ty Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan cũng chẳng gây ảnh hưởng gì.

Boeing không sợ

Tất nhiên, mọi chuyện sẽ nghiêm trọng hơn đối với những công ty như Boeing nếu họ tham gia thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan, bởi Trung Quốc hẳn là khách hàng tiềm năng lớn của Boeing.

Nhưng Trung Quốc mà cấm vận Boeing thì chính ngành hàng không nước này bị tổn hại đầu tiên. Báo Wall Street Jounal phân tích, ngành hàng không của Trung Quốc đang phải lệ thuộc rất nhiều vào công nghệ Mỹ, các công ty Mỹ đang cung cấp những thiết bị chủ chốt cho máy bay thương mại “made in China”.

Kỹ sư hàng không đã về hưu từng góp phần thiết kế chiếc máy bay dân dụng đầu tiên của Trung Quốc ARJ21, ông Zhou Jisheng, cho biết những thiết bị xương sống như động cơ hay hệ thống điện tử trên máy bay Trung Quốc đều là hàng Mỹ.

Còn nhớ, trong hợp đồng Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan trị giá tới 6,4 tỉ USD hồi năm 2010, Boeing và United Technologies Corp – công ty sản xuất động cơ máy bay và các sản phẩm công nghệ cao khác – góp mặt đáng kể. Lần đó, Trung Quốc cũng phản đối ầm ĩ, ngưng một số chương trình trao đổi quân sự với Mỹ, nhưng rồi mọi chuyện đâu lại vào đó. Cả Boeing và United Technologies Corp sau đó vẫn buôn bán làm ăn đều đều với Trung Quốc, dẫu báo chí chính thống của nước này đưa tin Trung Quốc có thể ngưng làm ăn với các hãng cung cấp máy bay dân dụng của Mỹ.

Đài Loan bắn tên lửa hải đối không trong một cuộc tập trận - Ảnh: AFP

Muốn bốc than nhưng sợ phỏng tay

Chưa rõ Trung Quốc sẽ làm gì. Trung Quốc đang có một vài lựa chọn, chẳng hạn dẫn lý do “an ninh quốc gia cốt lõi” mà cản trở giao thương với Mỹ. Điều này được phép trong điều khoản của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), qua đó Trung Quốc có thể nhanh chóng ngăn hàng hóa nhập khẩu Mỹ mà không cần phải đi qua quy trình giải quyết tranh chấp phức tạp và kéo dài thông thường của WTO.

Chuyên gia thương mại quốc tế làm việc tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế quốc tế ở Bắc Kinh, ông Cui Fan cho rằng Trung Quốc cũng có thể không cấp visa đối với lãnh đạo các công ty Mỹ trong tầm ngắm, cùng lúc không cho các công ty Trung Quốc làm ăn với họ. Hoặc Trung Quốc cũng có thể cấm các công ty Mỹ tham gia đấu thầu các dự án của chính phủ.

Một tiêm kích F-16 của Đài Loan - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, bất kỳ động thái nào của Trung Quốc cũng đều hứng chịu rủi ro Mỹ sẽ trả đũa – điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc vốn đang tăng trưởng trì trệ.

“Trung Quốc biết rằng họ không thể ngăn Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Điều họ đang cố gắng là giảm thiểu quy mô bán, giữ nó ở mức tối thiểu”, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Nottingham (Anh), ông Steve Tsang nhận xét.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.