Luật điện lực: Nhà nước nên quy định khung giá

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Luật Điện lực đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 3/12/2004, có hiệu lực từ ngày 1/7/2005 là hành lang pháp lý quan trọng, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực, về cơ bản đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước.
Luật điện lực: Nhà nước nên quy định khung giá
Ảnh minh họa

Tuy nhiên qua gần 7 năm thực hiện, Luật Điện lực đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không phù hợp với các mục tiêu phát triển, phương thức quản lý, điều hành của ngành điện trong điều kiện hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới, đặc biệt là vấn đề về giá điện, quy hoạch ngành điện...

Chính vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực sẽ được trình Quốc vào sáng nay 31/5 cũng sẽ dành nhiều thời gian để thảo luận vấn đề trên, nhằm tạo ra sự đột phá giúp ngành điện phát triển, cũng như hướng tới một thị trường điện cạnh tranh vào sau năm 2022 theo đúng mục tiêu đề ra.

Trao đổi với  Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội điện lực cho rằng, việc định giá điện là khó, bởi vì cùng một loại nhà máy nhiệt điện, nhưng nếu chạy than trong nước giá khác, chạy than nhập khẩu giá khác và cũng tùy vào chất lượng than để đốt nữa.

Cho nên nhà nước chỉ cần quy định khung giá hoặc giá tối đa tối thiểu hợp lý hơn trong điều kiện hiện nay, chứ không nên quy định mức giá cụ thể.

Dưới góc độ chuyên gia thì theo ông việc sửa đổi luật lần này có giải quyết được những vấn đề đang tồn tại hiện nay của ngành điện hay không, nhất là cơ chế giá điện?

Tiến sỹ khoa học Trần Đình Long: Về vấn đề giá điện, luật sửa đổi cũng đã đưa ra khái niệm giá điện bình quân mà trước đây chưa có, đây là một chỉ số quan trọng, giúp người dân có thể nắm được doanh thu của ngành điện trong từng giai đoạn là bao nhiêu, thông qua đó cũng là để giám sát ngành điện làm ăn có hiệu quả hay không.

Tuy nhiên, nếu đưa vào luật việc Thủ tướng Chính Phủ duyệt giá bán điện như trước kia thì hơi quá chi tiết, không hợp với quản lý vĩ mô mà việc này có thể giao cho các cơ quan chuyên ngành như Bộ Công Thương đứng ra làm việc này, để khi tính giá điện trung bình có thể bám sát với tình hình thực tế hơn.

Còn phí điều tiết điện lực thực ra là để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhưng nó chuyên ngành hơn đến quá trình sản xuất kinh doanh. Ở nhiều nước thì cũng có các dạng khác nhau, có thể là cơ quan thuộc nhà nước, hoặc cơ quan bên ngoài, nhưng nói cho cùng thì đều đánh vào túi người tiêu dùng.

Quy hoạch ngành điện lâu nay vẫn là những nút thắt của ngành điện, vậy theo ông việc sửa đổi lần này có tháo gỡ được những vấn đề bất cập của ngành điện hay không?

Tiến sỹ khoa học Trần Đình Long: Luật điện lực đã ra đời gần 7 năm, về cơ bản những điều quy định trong luật đến giờ vẫn thích ứng tốt. Tuy nhiên, một số vấn đề cần chỉnh sửa để phù hợp với thực tế.

Cụ thể, về quy hoạch, trước đây ta thường quy hoạch 5 năm, nhưng có xét đến triển vọng 10 năm, nhưng trong luật điện lực năm 2004 thì lại quy định là 10 năm, tiêu biểu là trong tổng sơ đồ 6 (giai đoạn 2006-2010 tầm nhìn 2020) thì việc thực hiện cũng xuất hiện nhiều trục tặc.

Đơn cử, trong khung cảnh và điều kiện về kinh tế xã hội biến chuyển rất nhanh, nếu làm quy hoạch dài hơi quá sẽ gập phải những sai số, việc dự báo không chính xác, dẫn đến thực hiện cũng không chuẩn.

Do vậy, nên chăng ta nên lập quy hoạch 5 năm, điều này vừa với tầm dự báo và thích ứng hơn với những hoàn cảnh thực tế...

Một vấn đề bất cập nữa là tình trạng quy hoạch được vạch ra nhưng thường không thực hiện được. Tiêu biểu như Tổng sơ đồ điện 2 đến Tổng sơ đồ điện 6 là một ví dụ, có thể thấy rõ phần trăm hoàn thành rất thấp, còn nguồn cũng chỉ đạt trên 60% công suất thực tế.

Điều này thể hiện ở mấy lý do như, vốn đầu tư trong những công trình của ngành điện, có thể do dự toán chưa sát nên khi huy động thường gặp nhiều khó khăn và chậm được thực hiện. Thứ hai là tính nghiêm túc của các đơn vị nhà thầu chưa cao, dẫn đến việc quy hoạch thường không được thực hiện đầy đủ và dẫn đến việc thiếu điện.

Nên chăng cần đưa ra những quy định cho nhà thầu để thực hiện đúng với tiến độ của các công trình đã quy hoạch. Trong đó, nếu chậm bao nhiêu ngày thì cần phải quy ra sản lượng phát điện theo thời gian thực để xử phạt, ngược lại nếu vượt tiến độ thì cũng cần được thưởng xứng đáng.

Để tiến tới một thị trường điện cạnh tranh vào năm 2020 thì trong quy hoạch cũng cần phải lưu ý những vấn đề gì thưa ông?


Tiến sỹ khoa học Trần Đình Long: Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một thị trường điện cạnh tranh, có sự quản lý của nhà nước và tất nhiên không thể thả nổi được.

Trong luật cũng quy định từng cáp độ cụ thể, từ phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh, bán lẻ cạnh tranh.

Nhưng để thực hiện được thì các công ty phát điện cũng phải có tính tự chủ, không phụ thuộc vào những khâu khác trong hoạt động điện lực, đơn cử là khâu phát điện không nên có quyền lợi với bên truyền tải. Do vậy phải tách khâu phát điện với truyền tải và truyền tải vẫn phải do nhà nước độc quyền.

Nói cho cùng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dù vẫn quản lý lưới điện, nhưng ngoài một số nhà máy điện đa mục tiêu (thủy điện lớn vừa phục vụ phát điện, tưới tiêu, xả lũ...) thì luật cũng cần quy định tất cả những nhà máy nhiệt điện khác đều phải tham gia cạnh tranh.

Cần phải nhấn mạnh là việc thiếu điện hay không thiếu điện cũng không ảnh hưởng đến việc xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh, còn việc lấy cớ cho rằng thiếu điện để làm chậm lại quá trình thực hiện là không đúng.

Hơn nữa, không phải lúc nào cũng thiếu điện, mà chỉ thiếu theo mùa, thậm chí trong mùa chỉ thiếu theo ngày và trong ngày cũng chỉ thiếu theo giờ nhất định mà thôi.

Nhìn về tương lai thì việc thiếu điện cục bộ vẫn có thể kéo dài, nhưng đây không phải là lý do quyết định để làm chậm quá trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh.

Cho nên, càng thừa điện thì điều kiện cạnh tranh càng dễ và người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn mà thôi.

Do đó, chúng ta cần phải thay đổi cơ cấu của ngành điện, thực hiện tái cơ cấu theo đúng lộ trình của Chính phủ vạch ra, còn trên phương điện kỹ thuật, cũng cần có phương tiện để tính được chính xác chi phí sản xuất điện theo từng giờ, thậm chí là từng phút với một hệ thống đo chính xác, chứ không phải việc ghi điện theo công tơ hàng tháng như hiện nay để tính tiền.

Ngoài ra, việc chào giá kiểu gì, phí ra sao và trong sơ đồ vạch ra cũng phải thực hiện nghiêm, có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng chứ không thể để chậm tiến độ như các tổng sơ đồ trước.

Xin cảm ơn ông./.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật