Bò tót bị giết do tin đồn chữa bệnh

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những tin đồn cho rằng mật bò tót ngâm vào rượu có thể chữa bệnh, làm đẹp da đang kích động những tay săn thú rừng, khiến số lượng loài này giảm mạnh trong thời gian qua.
Bò tót bị giết do tin đồn chữa bệnh
Xác con bò ở Bình Phước được đưa đi tiêu hủy chiều qua. Ảnh: Chế Bắc.

Hôm qua, xác một con bò tót, tên khoa học là Bos Gaurus được tìm thấy ở cánh rừng thuộc nông lâm trường Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Giới chức địa phương nhận định, đây là con bò tót cực kỳ quý hiếm, nặng gần 100 kg, chân trái có nhiều vết thương của loại bẫy hươu nên bị sưng tấy.

Bò tót có tên địa phương là con min, nghĩa là trâu rừng, do chúng có hình dáng tương tự loài trâu; là động vật thuộc bộ guốc chẵn (Artiodactyla), họ trâu bò (Bovidae), có lông màu sẫm và kích thước lớn, sinh sống chủ yếu ở vùng đồi Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á.

Theo tiến sĩ Lê Xuân Cảnh, viện trưởng viện Tài nguyên và Sinh vật, bò tót thường bị giết để lấy thịt, mật và nước tiểu. "Do tin đồn mật và nước tiểu của bò tót có thể làm thuốc chữa nhiều bệnh liên quan đến da, tiêu hóa nên những tay săn trộm luôn tìm cách giết hại chúng", tiến sĩ Cảnh nói.

Tiến sĩ Cảnh cho biết, tùy theo thị trường cung cầu, giá một túi mật bò tót có thể lên đến hàng chục triệu đồng, giá của thịt bò tót cũng cao gấp nhiều lần thịt bò thường.

Ông Trần Việt Hưng, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) cho hay, những tay săn trộm bò tót còn để lấy sừng trang trí trong nhà. Từ năm 2009 đến nay, ENV đã ghi nhận 14 vụ vi phạm liên quan đến buôn bán vận chuyển bò tót, trong đó chủ yếu là sừng và mật bò tót.

Thông tin từ Sách đỏ Việt Nam, bò tót được xếp vào nhóm động vật rừng bị nghiêm cấm khai thác sử dụng vì mục đích thương mại.

Các nhà khoa học cho biết tất cả các loại mật động vật đều độc, kể cả mật gấu và mật bò tót, vì trong thành phần mật có các axít mật có độc tính khá cao.

"Người dân khi có bệnh nên đến các phòng khám và nghe theo lời chỉ định của bác sĩ, không nên chữa bệnh theo cảm tính hoặc tin đồn", ông Hưng khuyên.

Bò tót là loài thú cỡ lớn, dài thân từ 2,5 đến 3 m, vai cao 1,3 - 1,8 m, trọng lượng 900 - 1.000 kg, có con lên tới 2.000 kg. Sừng bò tót uốn hình cong bán nguyệt, bộ lông ở lưng màu đen xám hơi phớt xanh, bụng màu nhạt.

Tại Việt Nam số lượng bò tót giảm đi nhiều, hiện chỉ còn khoảng 300 con phân bố chủ yếu ở vườn quốc gia ở Lào Cai, Kon Tum, Lâm Đồng. Đàn bò tót đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do rừng bị chặt phá và nạn săn trộm thú quý.

Bò tót đã được các chuyên gia động vật học trên thế giới thừa nhận là giống bò rừng lớn nhất trong tự nhiên, to lớn hơn cả trâu rừng châu Á và bò rừng bizon Bắc Mỹ. Mỗi con bò tót có thể cung cấp 500 - 600 kg thịt, 400 kg xương, 2 - 3 m2 da.

Chúng sống thành từng đàn từ 8-10 con; thức ăn là cỏ và lá cây, măng tre, nứa. Bò tót sinh sản vào tháng 6 đến tháng 7. Thời gian mang thai 270 - 280 ngày. Mỗi năm bò tót đẻ một lứa, mỗi lứa một con.

Bò tót có thể nặng tới 2 tấn. Ảnh: Phùng Mỹ Trung.

Nơi sống của bò tót là rừng hỗn giao, rừng thứ sinh, rừng khộp, địa hình tương đối bằng phẳng ở độ cao 500 - 1.500 m so với mặt biển.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật