“Tướng biệt động“ từng được treo thưởng 2 triệu đôla

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tháng 4/1968, sau những chiến công vang dội của Biệt động Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn hoảng sợ treo giải thưởng 2 triệu đôla cho ai bắt hoặc giết được “Thủ lĩnh F100“ Tư Chu. Nghe tin này, ông chỉ cười nói: “Dữ dằn ha“.
“Tướng biệt động“ từng được treo thưởng 2 triệu đôla
Cô giao liên Trần Thị Lệ Thu (đội mũ) khoác tay lên vai ông Tư Chu, nguyên Chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn. Ảnh chụp năm 1998. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Giọng đã lạc hẳn sau hai ngày tang lễ, nhưng khi nói về anh trai, ánh mắt ông Nguyễn Đức Chín sáng lên đầy vẻ cảm phục. Ông Chín cho biết, Tư Chu là người anh thứ tư trong gia đình có 9 anh em. Sinh ra ở vùng đất nghèo Hà Tĩnh, năm 8 tuổi Tư Chu đã phải xa gia đình, 10 tuổi bắt đầu tự lập và 14 tuổi trở thành công dân của Sài Gòn - Gia Định.

Sau đó, Tư Chu tham gia đoàn quân cướp chính quyền trong những năm kháng chiến chống Pháp, rồi làm chỉ huy đơn vị Biệt động thành thuộc Bộ Chỉ huy quân sự Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. "Năm 1961, sau khi tham gia một khóa học trở về, Tư Chu đã xây dựng được lực lượng gồm hơn 300 người. Trong đó có 100 tay súng tinh nhuệ hoạt động suốt từ quận 8 vào đến nội thành Sài Gòn", ông Chín kể.

Bốn năm sau, Tư Chu làm chỉ huy trưởng lực lượng biệt động đặc biệt F100 (Biệt động Sài Gòn - Gia Định). "Có một lần anh tôi về thăm quê. Gia đình rất mừng nhưng hết sức bỡ ngỡ vì thấy anh đeo quân hàm đại úy. Ai cũng băn khoăn anh ấy đang làm gì nhưng rồi khi biết làm cách mạng cả nhà mừng vui khôn xiết", ông Chín nheo mắt nhớ lại.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia buồn cùng gia quyến ông Tư Chu trong lễ viếng ngày 17/5. Ảnh: Tá Lâm.

Chính đội biệt động F100 này đã đánh nhiều trận vang đội như Tổng Nha cảnh sát, Tòa đại sứ Mỹ, khách sạn Metropol, đặc biệt là chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968... đã làm cho chính quyền cũ đứng ngồi không yên.

Bà Trần Thị Lệ Thu (người giao liên đặc biệt của ông Tư Chu) cho biết, trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, ông Tư Chu ráo riết chuẩn bị lực lượng tinh nhuệ thành 3 cụm và giao nhiệm vụ cho từng cụm đánh chiếm 9 điểm gồm: Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, đài phát thanh, Sân bay Tân Sơn Nhất, đại sứ quán Mỹ... Mặc dù giao nhiệm vụ nhưng ông Tư Chu là người chỉ huy rất lo lắng và thương anh em. Khi các cụm trưởng đến nhận lệnh đánh, một câu chuyện làm bà Thu nhớ mãi.

Hôm ấy, anh Tư Tăng (trưởng cụm 3-4-5) cho biết cụm của anh có một chiến sĩ đề nghị được cho thêm khối chất nổ 4-5 kg mang bên mình để cảm tử nếu không giành thắng lợi chứ nhất định không để địch bắt. Một cụm trưởng cụm khác cũng xin thêm một khối chất nổ. Lúc đó, ông Tư Chu lưỡng lự, đi tới đi lui trong phòng họp suy nghĩ hồi lâu nhưng cuối cùng cũng đồng ý. "Người chỉ huy nhìn tôi và nói, chỉ có em mới làm được việc này, Thu đi về căn cứ lấy hai khối chất nổ giao cho anh Ba Đen và Ba Tẻo, lúc đó là 27 Tết", cựu nữ biệt động kể.

Khi đã đưa được hai khối chất nổ lên thành phố, cô giao liên nhớ mãi một câu nói của ông Tư Chu khi người chỉ huy hạ lệnh tổng công kích Tết Mậu Thân 1968. "Không nhận được ám hiệu đại quân vào thì Biệt động Sài Gòn mình có bao nhiêu người đánh bấy nhiêu người", câu nói của ông Tư Chu truyền đạt lại cho những chiến sĩ biệt động.

Đúng 2h sáng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, các cánh quân của Biệt động Sài Gòn bắt đầu nổ súng đồng loạt tấn công vào các cơ quan đầu não của địch. Khắp Sài Gòn rung chuyển bởi tiếng B40, tiếng bộc phá và tiếng súng. Mặc dù nhiều chiến sĩ biệt động đã anh dũng hy sinh để giữ mục tiêu chờ đại quân vào trong nhiều giờ liền, nhưng chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 đã gây chấn động tại nước Mỹ và khắp thế giới.

Tháng 4/1968, sau những chiến công vang dội của Biệt động Sài Gòn đã làm cho chính quyền Sài Gòn hoảng sợ phải treo giải thưởng lớn cho ai bắt hoặc giết được "Thủ lĩnh F100" Tư Chu. "Lúc đó, địch treo những tấm bảng lớn trên các con phố Sài Gòn và tuyên bố treo thưởng 2 triệu đôla cho ai bắt hoặc giết được người chỉ huy F100 Tư Chu. Anh Dũng, người làm căn cước giả cho ông Tư Chu cũng bị địch treo thưởng vì cho rằng không có anh Dũng thì ông Tư Chu cũng không vào được thành", bà Thu nhớ lại.

Khi biết được việc này, cô giao liên này chạy ngay về bên người chỉ huy nói: "Anh Ba (bí danh ông Tư Chu lúc đó là Ba Tam) ơi, bữa nay nó đã treo bảng đăng hình anh rồi, lại còn treo thưởng tới 2 triệu đô nữa". Ông Tư Chu cười nói: "Dữ dằn ha".

Là người thường xuyên ở bên ông Tư Chu, bà Thu kính phục người chỉ huy này không chỉ bởi tài bày binh bố trận "xuất quỷ nhập thần" trong cách đánh của biệt động mà còn cảm phục ở thái độ ân cần, thương yêu anh em như máu thịt của mình.

Bà kể, một lần mệt mỏi sau một chặng đường dài đi báo tin, khoảng 2h sáng, bà ngủ thiếp đi trong căn hầm bí mật, nơi làm việc của ông Tư Chu khi chuyển về căn cứ Thanh Hà (Long An). Khi tỉnh dậy, cô thấy người chỉ huy đã lấy vạc giường cho mình nằm ngủ.

Trong cuộc đời hoạt động của ông Tư Chu, nữ biệt động thấy 3 lần ông khóc và đều là khóc thương cho đồng đội bị giết. Lần ông Bảy Rổ (Nguyễn Văn Thân, Đội phó đội Biệt động 4) bị xử bắn, ông Tư Chu khóc: "Không làm cách nào để cứu anh em ra được. Nếu như tôi có thể hy sinh thay anh em tôi cũng sẵn sàng hy sinh. Nếu như đổi được mạng của tôi cho Bảy Rổ tôi cũng đổi".

Cảm phục người chỉ huy, cô gái giao liên này còn kính trọng hơn khi biết chuyện vợ chồng ông Tư Chu đã đem hai đứa con đầu lòng (5 tuổi và 7 tuổi) cho 2 cơ sở nuôi để tiếp tục hoạt động cách mạng. Đó là thời điểm chuẩn bị lực lượng cho các trận đánh Tết Mậu Thân 1968. Do không chịu nổi những đòn tr‌a tấ‌n nên một người đã khai ra nơi nuôi giấu 2 đứa nhỏ. Địch bắt 2 đứa trẻ để ép ông Tư Chu đầu hàng. Dù đau đớn nhưng vợ chồng ông vẫn giữ vững khí tiết. Sau đó, một tờ báo Mỹ đã đăng bài lên án vụ bắt 2 đứa trẻ này. Bài viết đã gây phẫn nộ lớn trên thế giới và 2 đứa trẻ được thả.

Vài ngày trước nghe tin ông Tư Chu mất, bà Thu không khỏi bàng hoàng. Nhiều lần trong đám tang, cô giao liên ngày xưa lặng lẽ ra một góc gạt những giọt nước mắt. "Ông đã chỉ dạy cho đội Biệt động Sài Gòn chúng tôi từ cách đi đứng, ăn mặc cho đến cách ứng xử, đối phó với chính quyền Sài Gòn. Ông là người thầy, là một người cha kính yêu của chúng tôi", nữ biệt động nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật