Săn cá mập– những trận ’hải chiến’ giữa Biển Đông

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kể về chuyến đi săn cá mập ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa vừa rồi, lão ngư Trần Mươi nói: “Chuyến này đội chúng tôi săn được 15 con cá mập, trong đó có bốn con cá mập trắng. Do một chút sơ suất mà hai anh em trong đoàn suýt nữa mất mạng. Nghề này coi vậy mà nguy hiểm lắm chú à”.
Săn cá mập– những trận ’hải chiến’ giữa Biển Đông
“Sát thủ” Trần Mươi vừa trở về sau chuyến đi săn “cọp biển”

Họ lênh đênh nhiều ngày liền giữa biển cả mênh mông, xuôi ngược liên tục giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như “đi chợ” để tìm kiếm và săn lùng cá mập - loài vật được ví như “mãnh hổ của biển khơi”.

Mỗi chuyến đi săn là một trận đấu sinh tử, mà chỉ cần một chút sơ suất là trở thành miếng mồi ngon của loài cá hung dữ. Những ngư dân chuyên săn cá mập ở Quảng Ngãi thường chọn những vùng biển đầy cá mập ở gần vùng biển Philippines để săn tìm, thử sức.

Những tay thợ săn “hổ biển” cừ khôi luôn giữ lại riêng mình một “mánh” độc để trị loài cá mập hung dữ. Đó là bí quyết để chiến thắng và tồn tại trong những trận “hải chiến” giữa trùng khơi.

Theo đội “sát thủ” ra khơi

Một ngày cuối tháng Tư, chúng tôi theo đội săn cá mập do “sát thủ” Cao Tận (43 tuổi, ngụ thôn Tân An, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) chỉ huy, giong buồm ra khơi.

15 giờ chiều, khi ánh mặt trời đã ngã dần về phía tây, con tàu 300 mã ngựa số hiệu QNg 97319TS nhận lệnh nhổ neo thẳng tiến ra khơi. Khi màn đêm buông xuống, cả một vùng biển ngoài khơi phía Nam tối đen như mực.

Ông Tận khẩn trương chỉ huy gần chục “sát thủ” nhanh chóng lắp mồi vào các lưỡi câu chuẩn bị cho giờ săn mồi. Đoạn dây dù to bằng ngón tay út, dài đến 4km, lắp hơn 1.000 lưỡi câu được rèn đúc sắc bén.

“Chúng tôi phải mất gần 2 - 3 tạ cá, cắt thành từng miếng mới làm đủ mồi cho số lưỡi câu trên. Số mồi này phải còn tanh mùi máu mới hút được đám cá mập đến ăn” ông Tận cho biết. Do  cá mập là loài cá “ngửi” mùi máu cực kỳ nhanh nhạy. Chỉ cần một chút máu tưới nhỏ ra vùng biển mặn rộng lớn thì đàn cá mập sẽ nhanh chóng có mặt, quần đảo, săn mồi.

Có một số ngư dân còn cho rằng, nếu đổ thêm chút huyết bò xuống biển, quanh khu vực giăng câu thì bầy cá mập sẽ đến nhanh hơn. Sau khi đã chuẩn bị xong mọi thứ, con tàu tiếp tục nổ máy di chuyển thành vòng dài trên mặt biển.

Mỗi đoạn dây 20 sải được lắp một lưỡi câu, thả nhanh xuống biển. Dù gấp rút nhưng gần hai tiếng đồng hồ sau, cả vùng biển dài mới được phủ dọc lưỡi câu bởi các tay thợ săn cá mập lão luyện. Những đôi mắt sắc lạnh chăm chú nhìn về phía những mồi câu quan sát, chờ động tĩnh.

Nhưng mặt biển vẫn êm đềm, chỉ lợn gợn vài con sóng theo chiều gió chứ chưa có dấu hiệu của đám “hổ biển”.

Thấy chúng tôi sốt ruột, anh Ba Thế (một thợ săn cá mập) nói: “Không phải ở chỗ nào cũng có cá mập, cần phải biết kiên nhẫn chờ đợi. Nó là loài cá khôn nhất, nhì đại dương nếu không có ‘nghề’ sẽ không săn được chúng. Có khi phải đợi tận sáng, chúng mới chịu mò đến mồi câu”.

Ngồi chờ một hồi lâu, bỗng ông Tận bật dậy, quan sát chiếc dây dù đang động đậy báo hiệu vài điểm mồi xuất hiện cá mập. Các đội thợ săn căng mắt ra nhìn về phía biển, chờ nghênh chiến với cá mập.

Chiếc dây câu rung bần bật liên hồi nhưng được một lúc lại lặng yên… Đoán gặp phải “đối thủ” tinh ranh, đội thợ săn kéo đoạn dây câu lên bong tàu tiến hành thay mồi mới. Anh Ba Thế giải thích, “tụi nó (tức cá mập) chê mồi không tươi nên chỉ lượn lờ cắn nháp (cắn rồi nhả, không nuốt).

Thay thế loại mồi “thượng hạng” tươi ngon hơn, chắc chắn bọn chúng sẽ cắn xé giành nhanh”. Một thùng “cá nhảy” (loại cá heo) còn sống quẫy đuôi được gắn vào những chiếc lưỡi câu bằng thép, sắc lẻm. Chúng được thả xuống mặt nước biển lần thứ 2.

Chỉ 5 phút sau, đúng như dự đoán của anh Ba Thế, dây câu căng phừng, liên tục lắc mạnh vào máy tời, kéo cả con tàu đi một đoạn dài.

Ông Tận chạy từ khoang lái, trực tiếp xông xuống điều khiển máy kéo. Những vòng tay gân thước quay nhanh, mở dãn chiếc dây câu về phía biển. Các ngư dân liên tục kéo rồi thả, vờn nhau cùng vài con cá mập mắc câu.

Phía xa, vùng biển mờ tỏ quẫy lên vũng sóng lớn, lan rộng. “To đấy, phải cẩn thận, không được để chúng xổng câu” – ông Tận đắc ý, chỉ đạo.Vài tay câu trẻ vã mô hôi, không dám chợp mắt nhìn về phía biển.

Đoạn dây cước muốn dãn đứt nếu không có sự “cương - nhu” kịp thời của vị kình ngư lão luyện. Theo kinh nghiệm, cá nhỏ chỉ cần ấn máy tời sẽ kéo ngay được lên khoang. Nhưng với con “cọp biển” hiếm có này, phải vờn đến vài tiếng đợi hắn mất máu, mệt nhừ.

Tay các ngư dân đỏ ran bởi những lần kéo dây cũng là lúc vùng biển dần im. Ông Tận hét lớn, huy động đám thợ săn cất “mẻ lưới” quyết định kéo lê con “cọp biển” trồi lên mặt biển. Thò tay vào khoang máy, anh Ba Thế rút ra mấy cây lao bằng inox sáng lóa.

Trên đầu cây lao gắn một mũi nhọn hoắt buộc vào sợi dây thép. Cây lao là vũ khí để đánh xa, còn vũ khí đánh gần gồm: vồ, móc, dao phay... được phân phát cho đám thợ săn. Khi con cá mập há ngoác miệng với hàng trăm chiếc răng sắc như lưỡi cưa được máy tời kéo lên bong tàu, đám thợ săn lập tức xông tới, lia dao róc bớt những chiếc răng nhọn đang phà ra hơi thở tanh ngòm.

Vùng vẫy trong vũng máu tươi gần 20 phút, con cá mập nặng đến nửa tấn mới chết. Đám thợ săn lại hè nhau xẻ thịt con cá đưa vào khoang ướp lạnh.

Theo ông Tận, vùng biển phía Nam tổ quốc, nơi giáp ranh với biển nước ngoài là nơi có nhiều cá mập. Chúng thường về ẩn nấp ở trong các rặng san hô, bãi đá ngầm… Với kinh nghiệm hơn 20 năm đi biển, ông Tận biết chọn từng loại mồi nào thích hợp để “dụ dỗ” đám “cọp biển” mắc câu.

Khi con cá mập thứ nhất được xẻ thịt đưa vào thùng lạnh thì những chiếc dây câu lại tiếp tục run lên bần bật. Ông Tận và đám thợ săn lại cầm “vũ khí” chuẩn bị nghênh chiến trận thứ hai. Chiếc máy tời nặng nề “chống cự” với sự vùng vẫy của một con cá mập trắng.

Anh Ba Thế hô phấn khởi “Lại thêm một con cá mập trắng mắc câu”. Khác với các loài cá mập khác, cá mập trắng được ví như “thần chết áo trắng” bởi sự hung dữ và sức mạnh ghê người của nó. Khoảng 10 phút sau, chiếc dây câu được thu hẹp dần, con cá mập trắng bị dính câu lôi trượt trên mặt nước.

Lưỡi câu móc chặt vào khóe ngàm. Con cá dữ càng cố vùng vẫy thoát thân, máu càng lúc càng tóe nơi khóe miệng. Nó chỉ chịu “buông xuôi” khi ông Tận phụp mạnh cần câu táp chuyên trị cá mập cỡ lớn bằng sắt to như ngón tay út thọc sâu vào yết hầu.

Anh Ba Thế cũng cầm lao xông tới đâm xuyên qua đầu con cọp biển. Nó vùng vẫy một hồi rồi quẫy chết. Chỉ trong một đêm, đám thợ săn đã bảy lần nghênh chiến với bầy “cọp biển”. Khi mặt trời vừa ló rạng thì con tàu chở gần 7 tấn cá mập nhổ neo quay hướng về bờ.

Diện kiến những “sát thủ” trên biển

Ở Nghĩa An, ngoài sát thủ Cao Tận, còn có nhiều thợ săn cá mập nổi tiếng khác như: Cao Văn Trung, Trần Mươi, Lê Thành… Họ đều là những thủ lĩnh của đám thợ săn “cọp biển” từng tham gia nhiều trận hải chiến với cá mập giữa trùng khơi.

Kể về chuyến đi săn cá mập ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa vừa rồi, lão ngư Trần Mươi nói: “Chuyến này đội chúng tôi săn được 15 con cá mập, trong đó có bốn con cá mập trắng. Do một chút sơ suất mà hai anh em trong đoàn suýt nữa mất mạng. Nghề này coi vậy mà nguy hiểm lắm chú à”.

Ông Mươi kể tiếp, sau khi tàu ông ra đến vùng biển có cá mập, đám thợ săn bắt đầu thả câu. Quá nửa đêm, những chiếc dù phao giật liên hồi báo hiệu bầy “cọp biển” đã xuất hiện. Nhưng chúng khôn khéo không tiếp cận mồi câu mà chỉ lởn vởn xung quanh đề phòng.

Để cá cắn câu, ông Mươi yêu cầu các thợ săn rưới huyết bò xuống biển, để thu hút bầy cá. Ngửi được mùi máu tanh, bầy cá mập nhanh chóng lao tới cắn xé con mồi. Hai con “cọp biển” liên tục mắc câu cố vùng vẫy để chạy thoát.

Mọi người cầm “vũ khí” đổ ra mạn tàu. Theo ánh đèn pha, xa xa bóng đen “cọp biển” uốn mình khuấy động cả một vùng nước. Ông Mươi cầm chắc dây triêng câu, phía bên trong là năm tay thợ săn cũng căng phồng cơ bắp, đứng tấn, nắm chặt sợi cước to hơn chiếc đũa.

“Một con mập bông khổng lồ và một con cá mập trắng cùng dính câu. Tôi ra lệnh cho anh em thu câu” - ông Mươi nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật