Không đủ điểm, không cho thi đại học

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sự việc một số trường THPT ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) chỉ xác nhận hồ sơ đăng ký dự thi đại học cho các em vượt qua được các kỳ thi sát hạch, thi chuyên đề với các mức điểm tùy từng trường và khối: 7 điểm, 8 điểm, 10 điểm hoặc 11 điểm.
Không đủ điểm, không cho thi đại học
Phân luồng thí sinh trước kỳ thi đại học đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau (ảnh minh họa).

Không thể nào chỉ mỗi chúng em phải chịu

Trước sự việc một số trường THPT Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) không ký xác nhận cho những học sinh có điểm thi các kỳ sát hạch thấp được đăng ký dự thi đại học, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã ngay lập tức chỉ đạo các trường phải chấn chỉnh.
Trao đổi với Kienthuc.net.vn, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết, các trường không được phép làm như vậy. Ngày 5/4 là hết thời hạn nộp hồ sơ ở các trường, nhưng với những em chưa được nhà trường xác nhận thì có thể mang trực tiếp hồ sơ đăng ký dự thi lên Sở để nộp.

Một giáo viên trường THPT Nguyễn Viết Xuân, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc chia sẻ: Thực ra cách làm này là để các em nhìn nhận đúng năng lực của mình, tránh sự ảo tưởng về bản thân và lãng phí. Qua thống kê từ nhiều kỳ thi, số thí sinh có học lực trung bình yếu, tổng điểm dự thi đại học thường không quá 5, cá biệt có nhiều trường hợp chỉ được 1 - 2 điểm.
Hơn nữa vì ở nông thôn, nhiều gia đình cũng không có điều kiện, nếu theo học nghề ngay từ đầu, gia đình các em sẽ đỡ được một khoản chi rất lớn. Đáng tiếc là nhiều em không biết lượng sức mình, nên ở góc độ nào đó thì cách làm này của nhà trường là hợp lý.

Em Lê Thị Minh, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Giang cho biết: Nếu theo quy định ban đầu thì em không được thi đại học, trong khi đó em và các bạn đều nghĩ đã học xong thì đương nhiên là phải thi đại học dù có đỗ hay không.
Theo em nghĩ, nếu đã là quy định thì phải được thực hiện thống nhất, học sinh cả nước phải theo, chứ không thể nào chỉ mỗi chúng em phải chịu.

Đừng mong chờ may rủi

Theo phân tích của PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh (Hà Nội), đây là một chủ trương đúng nhưng lại phạm luật. Nhà trường chỉ có quyền tư vấn hướng nghiệp chứ không có quyền không xác nhận cho các em dự thi đại học. Làm như vậy là trái với nguyên tắc và phạm luật. Nhà trường có thể tổ chức các buổi tư vấn để các em xác định năng lực học tập để có những lựa chọn phù hợp.

Việc phân luồng cho các em từ những năm đầu THPT là rất quan trọng. Vấn đề đặt ra là đến nay Bộ GD&ĐT chưa có quyết định chính thức nào. Bộ nên học hỏi và nghiên cứu để không phải 100% tú tài đều dự thi đại học. "Giống như một cuộc thi hoa hậu, không phải ai đủ 1‌8 tuổ‌i và cao 1,65m cũng đều dự thi được", PGS Văn Như Cương ví von.

PGS Văn Như Cương cho biết: Nhiều em có học lực yếu hoặc trung bình, biết chắc chắn là mình không thể đỗ đại học được, nhưng vẫn mong chờ, hy vọng vào những sự may rủi nào đó để có thể đỗ. Ví dụ như may mắn ngồi cạnh một bạn học giỏi, được bạn cho xem bài, may mắn gặp giám thị dễ tính, được giám thị cho quay bài... để có thể đỗ. Dù là một tia hy vọng nhỏ nhoi cũng vẫn cứ cố.
Hoặc biết chắc là không đỗ nhưng vẫn cứ đi thi cho biết thế nào là thi đại học. Rồi tranh thủ lần đầu tiên đến thủ đô, tranh thủ thăm thú, đi chơi. Thi đại học là dịp hiếm hoi như thế. Điều này dẫn đến sự lãng phí rất lớn cho xã hội. Có môn có hàng nghìn điểm 0, cũng là bởi xuất phát từ suy nghĩ đó của các em khi dự thi đại học.

Hơn ai hết, chính các em phải biết cân lượng sức mình để có một lựa chọn phù hợp.

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật